Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành văn bản số 4114/BCA-ANCTNB ngày 25/11/2022 về hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Theo đó, Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Luật còn có cách hiểu khác nhau, áp dụng chưa thống nhất, cụ thể xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước như sau:
1. Về thẩm quyền:
Khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức là cấp giúp việc trực tiếp cho cấp trưởng, được cấp trưởng phân công phụ trách các phần việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền của cấp trưởng (thể hiện trong quy chế làm việc hay văn bản phân công công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước); đồng thời, cấp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với phần việc đã phân công cho cấp phó. Do đó, cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
Ảnh minh họa (Nguồn: thuvienphapluat.vn)
2. Trường hợp ký thừa lệnh, thừa ủy quyền, thay mặt:
Các trường hợp ký thừa lệnh, thừa ủy quyền hoặc ký thay mặt phải có văn bản đề xuất người đúng đầu cơ quan, tổ chức quyết định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.
3. Áp dụng danh mục bí mật nhà nước: theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước. Theo đó, khi được giao soạn thảo tài liệu, các cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào 35 danh mục bí mật nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành để xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.
4. Dự thảo văn bản chứa nội dung bí mật nhà nước: khi chưa được người có thẩm quyền quyết định độ mật và ký ban hành thì không đóng dấu chỉ độ mật trên dự thảo văn bản. Theo đó, khi gửi dự thảo phải có văn bản yêu cầu nơi nhận có trách nhiệm bảo vệ nội dung dự thảo, bảo đảm không để xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước.
5. Đối với nội dung “Được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước” quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước:
- Thẩm quyền: căn cứ Điều 2 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, cơ quan, tổ chức ban hành, phát hành tài liệu hoặc tạo ra vật chứa bí mật nhà nước quyết định việc cho phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
- Hình thức thể hiện: căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP nội dung “được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước” phải được thể hiện ở mục “nơi nhận” của tài liệu.
- Việc áp dụng quy định “không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước” nhằm hạn chế việc sao, chụp tài liệu dẫn đến lộ, mất bí mật nhà nước. Theo đó, nội dung “không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước” được áp dụng trong trường hợp bí mật nhà nước có độ mật cao (như Tuyệt mật) để hạn chế tối đa người tiếp cận và không sao, chụp vẫn có thể triển khai nội dung bí mật nhà nước.
- Việc áp dụng quy định “được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước”: được áp dụng trong trường hợp bí mật nhà nước có phổ biến rộng.
6. Về đóng dấu “BẢN SỐ” trên tài liệu bí mật nhà nước: tất cả văn bản bí mật nhà nước đã được người có thẩm quyền ký (kể cả bản lưu tại văn thư và bản lưu tại đơn vị soạn thảo) đều phải đóng dấu “BẢN SỐ” theo thứ tự từ 01 đến bản cuối cùng để quản lý số lượng tài liệu mật đã ký, ban hành.
7. Xử lý, khắc phục trường hợp cơ quan, tổ chức xác định sai bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước: thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, yêu cầu cơ quan, tổ chức xác định sai bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước có văn bản đính chính hoặc thu hồi bí mật nhà nước đã phát hành.
Lệ Phượng