Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nghị định gồm có 5 Chương với 58 Điều quy định về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản và quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Ảnh: Tọa đàm về đăng ký biện pháp bảo đảm do Bộ tư pháp tổ chức tại Nha Trang năm 2018
Theo quy định tại Điều 3 thì đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi, cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác hoặc đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình và của người khác đối với bên nhận bảo đảm.
Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại Nghị định này cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc là việc cơ quan khác có thẩm quyền, người có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến tài sản cho cơ quan đăng ký.
Khoản 1 Điều 4 quy định 4 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, gồm:
- Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan;
- Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;
- Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;
- Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký; xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký đối với trường hợp quy định trên.
Việc đăng ký được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký quy định tại Điều 10. Cụ thể:
- Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 25.
- Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay quy định tại Điều 38.
- Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải hoặc Chi cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển, tài sản khác quy định tại Điều 41.
- Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung và trường hợp khác quy định tại Điều 44.
Nghị định quy định: Việc xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển thực hiện theo quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Việc xác định cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin trong trường hợp tổ chức, cá nhân tự tra cứu thông tin thông qua mã số sử dụng cơ sở dữ liệu và trong hoạt động cung cấp thông tin giữa cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền với cơ quan đăng ký thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 50 và Điều 52 Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2023, thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Đ.H