Triển khai thực hiện Quyết định số 5024/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 442/STTTT-TTBCXB ngày 22/02/2022 gửi Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn công tác tuyên truyền phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị tập trung tuyên truyền những nội dung như: Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; về xác định lao động trẻ em và người chưa thành niên lao động trái quy định của pháp luật theo Phụ lục kèm theo Chương trình. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng lao động, đặc biệt người sử dụng lao động tại các làng nghề, khu vực kinh tế phi chính thức về kiến thức, kỹ năng phát hiện và phối hợp can thiệp, hỗ trợ trẻ em, về hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các đơn vị thông tin về các hoạt động hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ; các chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, trợ giúp xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp, tạo việc làm, ổn định sinh kế. Bên cạnh đó, chú trọng thông tin các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em như mô hình phát hiện sớm, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ; mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo; mô hình doanh nghiệp không sử dụng lao động trẻ em; mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong khu vực hợp tác xã và các làng nghề.
Đặc biệt, kịp thời đưa tin, bài phản ánh các hoạt động phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
H.Dương