Nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11436/KH-UBND ngày 11/11/2021 về thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Khánh Hòa.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Khánh Hòa dưới mức 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2025, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (là 106 bé trai/100 bé gái) sau năm 2025.
Kế hoạch đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. 100% các bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và những người có uy tín, có hiểu biết đúng về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. 95% người dân có hiểu biết cơ bản về hậu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, hiểu biết việc lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật. 95% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn được tuyên truyền, tư vấn về giới tính và hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh. Hơn 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hiểu biết đầy đủ về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh đối với việc kết hôn của con cái họ trong tương lai. 100% người cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, xét nghiệm có hiểu biết về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh và hiểu đúng quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi khi tham gia cung cấp các dịch vụ này. Bên cạnh đó, 100% các quy định, quy ước ở thôn/khu phố có nội dung không lựa chọn giới tính thai nhi để phù hợp với quy luật sinh đẻ theo tự nhiên. 100% các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai cam kết không thông báo giới tính khi sinh, không hỗ trợ người dân thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi. 100% các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi bị phát hiện được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, hàng năm, thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến, chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi tại cơ sở; Đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các trường chính trị, trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trường y tế…
Đặc biệt, năm 2022 sẽ triển khai việc biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ năm 2023 sẽ triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ như chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; chính sách cho các cặp vợ chồng sinh con một bề thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân đang sống tại các xã biên giới, huyện biên giới, cho cha mẹ sinh con một bề gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu. Bên cạnh đó, duy trì thử nghiệm một số chính sách ưu tiên, hỗ trợ trẻ em gái, gia đình sinh con một bề gái, thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình như vay vốn tính dụng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, học tập và lập nghiệp; hỗ trợ học phí, cấp bảo hiểm y tế, cấp học bổng…
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND cấp huyện tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động, định hướng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc không lựa chọn giới tính thai nhi; nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của cán bộ, công chức, viên chức nữ trong cơ quan. Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung trong kế hoạch.
Cũng tại Kế hoạch này, Sở Tư pháp được giao phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về mất cân bằng giới tính khi sinh tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh thông qua theo đúng trình tự, thủ tục; theo dõi, kiểm tra các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực y tế tại địa phương khi có yêu cầu.
H.Dương