Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/102/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008. Theo đó, từ ngày 11/12/2021, Nghị định quy định các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện bao gồm:
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập);
- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (khi được UBND cấp huyện ủy quyền theo quy định);
- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.
- Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế.
- Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân.
- Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.
So với quy định hiện hành, bổ sung trường hợp cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được vận động, kêu gọi quyên góp từ thiện.
Các hành vi bị nghiêm cấm
- Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
- Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.
- Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Lệ Phượng