Khánh Hòa:
Tập huấn tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy, mai dâm và mua bán người vùng dân tộc thiểu số
Trong 2 ngày 15 và 16-7, tại TP.Nha Trang, Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người. Ông Đỗ Văn Đại – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc và ông Đặng Văn Tuấn – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa đồng chủ trì Hội nghị
Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự hội nghị có gần 100 đại biểu là đại diện một số Sở, ngành; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn của Ban Dân tộc tỉnh; cán bộ làm công tác dân tộc, tuyên truyền đến từ các huyện, thị, thành phố, xã, phường, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số… trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu tham dự hội nghị đã được nghe báo cáo viên giới thiệu, tập huấn các nội dung: Công tác phòng chống ma túy, mại dâm và mua bán người ở nước ta, những thuận lợi và thách thức; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết và tích cực tham gia phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người gắn với thực hiện tốt các chính sách dân tộc; Tình hình công tác dân tộc; công tác phòng, chống mại dâm và mua bán người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ngoài ra, báo cáo viên còn giới thiệu, phổ biến nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật: Luật Phòng, chống mua bán người, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nước ta có khoảng hơn 224.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng hơn 1.418 người so với năm 2017), trên thực tế con số này còn lớn hơn nhiều nhưng mới có khoảng 10% số người nghiệm ma túy được đưa vào các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung. Cuối năm 2017, cả nước có 222.582 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 11.831 người so với năm 2016 (210.751 người), trong đó nam giới chiếm 96%, nữ giới 4%, độ tuổi người nghiện từ 16 tuổi trở lên chiếm trên 99%. Số người chuyển từ heroin sang sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần ngày càng tăng. Đáng lo ngại là đa số người mới sử dụng ma túy bị phát hiện đều sử dụng ma túy tổng hợp, các chất hướng thần thay vì heroin. Về tội phạm buôn bán người, thống kê của Bộ Công an trong giai đoạn 2012 – 2017, tội phạm mua bán người xảy ra ở 63 tỉnh/thành phố với 3.090 nạn nhân, trong đó có 519 nạn nhân chưa trở về. Ngoài ra có 868 phụ nữ vắng mặt lâu ngày ở địa phương và hàng ngàn người đang ở nước ngoài chưa có điều kiện xác minh, xác định họ có phải là nạn nhân hay không. Tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất, thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và tính xuyên quốc gia…
Hội nghị tập huấn nhằm giúp các học viên có thêm kiến thức để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các chính sách, chương trình phát triển kinh tế