Nội dung “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018-2022
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018 phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018-2022.
Mục tiêu chung của Đề án là nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể là: tiếp tục sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định hiện hành về tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng một số hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, trong đó tập trung thực hiện giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; tăng cường năng lực phản ứng chính sách; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm các điều kiện cần thiết để phục vụ việc tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách tinh giản biên chế.
Đề án nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp đối với từng nội dung cụ thể như sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật
- Nhiệm vụ: Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy các ngành, các cấp đối với công tác này.
- Giải pháp: Xây dựng, trình Ban cán sự đảng Chính phủ để xem xét, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
2. Hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật
- Nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật theo hướng, quy định rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền và nội dung tổ chức thi hành pháp luật;quy định cụ thể cách thức, biện pháp theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước và trong từng ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý của các Bộ, ngành và địa phương.
- Giải pháp: Nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; nghiên cứu, xây dựng đề xuất chính sách phục vụ việc lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật.
3. Đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật
- Nhiệm vụ: Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cụ thể, định lượng để xác định được mức độ thực thi pháp luật, cũng như đánh giá được chính xác, toàn diện hiệu quả, tác động của văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn.
- Giải pháp: Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức áp dụng thí điểm Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thu thập dữ liệu phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm.
4. Tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật
- Nhiệm vụ:Xác lập quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật một cách thống nhất, có hệ thống, rõ ràng, minh bạch. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc ghi nhận, thực thi trách nhiệm Hiến định và luật định của Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan trong việc xử lý theo thẩm quyền các phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, cơ quan nhà nước tăng cường năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề mới phát sinh, đặc biệt gắn kết với quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
- Giải pháp: Xây dựng quy trình chung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật
- Nhiệm vụ:Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập, lưu trữ dữ liệu về tình hình thi hành pháp luật nói chung và báo cáo tình hình thi hành pháp luật nói riêng nhằm đảm bảo nguồn dữ liệu đa dạng, đầy đủ, sẵn có, mang tính tích hợp, giảm gánh nặng xây dựng các báo cáo tình hình thi hành pháp luật; hướng đến việc xây dựng một phần mềm giúp theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật một cách thường xuyên, kịp thời, khách quan.
- Giải pháp: Xây dựng, vận hành phần mềm đánh giá tình hình thi hành pháp luật (phần mềm quan trắc tình hình thi hành pháp luật); xây dựng, vận hành phần mềm thu thập thông tin thi hành pháp luật (phần mềm phục vụ việc báo cáo tình hình thi hành pháp luật) kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
6. Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức thi hành pháp luật
- Nhiệm vụ: Bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức khối cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
- Giải pháp: Xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức thi hành pháp luật tại các bộ, ngành và địa phương.
7. Bảo đảm các điều kiện cho công tác tổ chức thi hành pháp luật
- Nhiệm vụ: Bảo đảm các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực đáp ứng cho công tác tổ chức thi hành pháp luật.
- Giải pháp: Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thi hành pháp luật theo hướng bố trí toàn diện, đầy đủ các nội dung chi và mức chi phù hợp đối với các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; kiện toàn tổ chức pháp chế các bộ, ngành; bố trí biên chế pháp chế chuyên trách tại các sở, ngành chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong tổng biên chế được giao để thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế nói chung và làm đầu mối công tác tổ chức thi hành pháp luật nói riêng; đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là về kỹ năng, năng lực tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Trích: Lệ Phượng