UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch số 2407/KH-UBND triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.
Ảnh minh họa.
Mục tiêu của kế hoạch là giải quyết bức xúc hiện nay là sử dụng tạp chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với rau, thịt an toàn. Giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu.
Kế hoạch cũng nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, cung ứng rau, thịt, thủy sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu; đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn nói chung và rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.
Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan truyền thông của tỉnh và địa phương tăng cường chiến dịch truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, huy động đài phát thanh, truyền hình, báo chí, dành nhiều thời gian, thời lượng phát sóng tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Đặc biệt tăng cường công tác tuyền thông trên hệ thống đài truyền thanh ở xã, phường, khu phố để tập trung chuyển tải thông điệp “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” đến các nhóm đối tượng ưu tiên. Tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp trên truyền hình, truyền thanh về an toàn thực phẩm, phổ biến các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn liên quan để nâng cao hiệu quả thực thi các nội dung của Luật… Ngoài ra, tùy từng địa phương, phong tục, tập quán, địa bàn dân cư triển khai các hình thức truyền thông phù hợp như băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm, hướng dẫn cụ thể bằng cách “cầm tay chỉ việc”. Đặc biệt cần huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền.
Về hoạt động thanh tra, kiểm tra trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017, UBND tỉnh đề ra kế hoạch, đối với cấp tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện từ ngày 15-4 đến 15-5-2017. Đối với cấp huyện, căn cứ Kế hoạch triển khai tháng hành động năm 2017, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của tỉnh và các văn bản hướng dẫn thi hành để chỉ đạo phòng Y tế cấp huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.