Điều chỉnh hoạt động lễ hội phù hợp với đời sống là cần thiết
- Lễ hội nào còn có những hoạt động chưa phù hợp với đời sống văn minh, văn hóa hiện nay thì sẽ tiếp tục điều chỉnh đến khi phù hợp mới thôi.
Lễ hội phải mang lại không khí tươi vui, phấn khởi trong nhân dân.
Đây là ý kiến của bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) trước thực trạng một số lễ hội đang có những diễn biến chưa phù hợp trong những ngày đầu năm, theo Báo điện tử Tổ quốc.
Trong những ngày đầu năm nay, nhiều lễ hội đã diễn ra trên cả nước đem lại không khí tươi vui phấn khởi trong nhân dân. Tuy nhiên, một số hành vi phản cảm vẫn còn diễn ra, như việc sư thầy ném lộc để người dân tranh cướp tại chùa Hương ngày mùng 6 tháng Giêng Đinh Dậu (2/2/2017) hay việc người dân tranh cướp hoa tre tại Đền Sóc (Hà Nội).
Về hiện tượng này, bà Trịnh Thị Thủy cho biết, ở chùa Hương, mọi năm vẫn có việc phát lộc nhưng chỉ diễn ra ở phạm vi trong chùa, không ra ngoài không gian lễ hội nên không xảy ra hiện tượng chen lấn. Còn năm nay, việc phát lộc ra ngoài không gian lễ hội không nằm trong kịch bản của Lễ hội chùa Hương năm 2017.
Còn với Hội Gióng (Đền Sóc), bản thân lễ hội này có phong tục cướp lộc (cướp hoa tre). Vì vậy, Bộ VHTT&DL đã tham mưu các cơ quan quản lý, các nhà khoa học nhằm tìm ra phương án thực hành thế nào để việc cướp lộc nhưng không xảy ra bạo lực.
Tuy nhiên khi thực hành vẫn có những tình trạng tranh cướp gây phản cảm.
Báo Hà Nội Mới cho biết năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội Đền Sóc bố trí hàng trăm người trực tại các chốt giao thông quan trọng, bảo vệ các đoàn rước nhằm bảo đảm an toàn cho lễ hội, nhưng tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc vẫn xảy ra. Tại đền Mẫu, lực lượng an ninh trật tự dù có hàng chục người nhưng vẫn không ngăn được đám đông tranh cướp lộc trầu cau, trong đó, một nhóm thanh nhiên có hành vi bạo lực. Rất may, các lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn cản không để hành vi bạo lực lan rộng.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, hành vi này là không chấp nhận được. Dù đây là lễ hội được công nhận, tục cướp hoa tre có từ lâu đời nhưng tới đây, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục lấy ý kiến nhân dân và các nhà nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp hơn