Bộ Tư pháp:
Tổ chức tọa đàm góp ý hoàn thiện dự thảo Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2016 đến năm 2021, dự thảo Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII.
Ngày 27/7/2016, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Khánh Hoà - Số 46 Trần Phú, thành phố Nha Trang; Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2016 đến năm 2021; dự thảo Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Thừa uỷ quyền của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Tiến sỹ Đỗ Xuân Lân - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) chủ trì Tọa đàm. Tham dự Toạ đàm hơn 50 đại biểu là lãnh đạo các Sở Tư pháp; lãnh đạo, công chức Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).
(Tiến sỹ Đỗ Xuân Lân - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu khai mạc)
Tại Tọa đàm các đại biểu tham dự Tọa đàm đã trao đổi, thảo luận, góp ý thẳng thắn nhằm hoàn thiện các dự thảo. Đa số các đại biểu tham dự Tọa đàm đồng ý cần thiết phải tiếp tục duy trì các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật tuy rằng đã có Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật với lý do Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định mang tính phổ quát. Việc thực hiện các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật thì sẽ đạt được các mục đích cụ thể hơn.
Các đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp cần đánh giá, tổng kết các Chương trình, Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực hiện trong thời gian qua; từ đó rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh các mục tiêu, giải pháp cho các Chương trình, Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ thực hiện trong thời gian tới (giai đoạn 2016 - 2021). Các đại biểu đề nghị để công tác phổ biến, giáo dục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới thì cần phải lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật vào các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể khác như: Hoạt động của Tổ Hoà giải ở cơ sở, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân...Khai thác, sử dụng có hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đặc biệt, cần phải gắn liền công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với ứng dụng công nghệ thông tin như: Sử dụng các Trang mạng xã hội, Trang Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật, phần mềm thi tìm hiểu pháp luật, trò chơi pháp luật; hỏi, đáp pháp luật qua điện thoại, qua mạng trực tuyến, qua các hoạt động của sinh viên tình nguyện, đối thoại, phóng sự...