Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật việc làm
Sáng ngày 14/10/2013 tại thành phố Nha trang, tỉnh Khánh Hòa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật việc làm. Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Xuân Thân-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và gần 40 đại biểu là các vị đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và lãnh đạo một số các sở, ngành, đoàn thể liên quan. Đồng chí Lê Minh Hiền- Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị.
Đồng chí Lê Minh Hiền - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị.
Đóng góp cho Luật Thi đua khen thưởng đại biểu đề nghị Luật không nên quy định cứng nhắc thời gian tặng thưởng các danh hiệu thi đua; Luật cần rút ngắn thời gian xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng để đảm bảo mục tiêu khen thưởng kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Phải cụ thể mức khen thưởng cho từng đối tượng và phải có hệ số khen thưởng; nâng mức thưởng đối với một số danh hiệu được khen còn chưa tương xứng so với quy định hiện hành; thời gian xét tặng như dự thảo luật là quá dài như vậy sẽ không phù hợp với nguyên tắc thi đua khen thưởng đã quy định trong luật “chính xác, công khai, công bằng, kịp thời”.
Thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Việc làm, các đại biểu cho rằng về đối tượng tham gia chính sách việc làm được quy định tại Điều 20 còn mang tính chất chung chung, chưa cụ thể; chính sách hỗ trợ tạo việc làm tại điểm c, khoản 2, Điều 22 quy định chưa rõ ràng; bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi vay vốn để giải quyết việc làm; cần quy định rõ điều kiện thời gian và mức hỗ trợ đào tạo; bồi dưỡng; nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng một số điều, khoản trong dự án luật còn chung chung, trùng lắp Luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Nên tạo ra sự chồng chéo, có thể khó trong áp dụng thực hiện.