Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành văn bản số 1883-CV/TU ngày 31/10/2022 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Khánh Hòa (nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử).
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), Kết luận số 12/KL-TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); các chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành.
Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gương mẫu thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên tự kiểm tra nội bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022; hàng năm, xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh bảo đảm các tiêu chí đánh giá theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng (kể cả trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước); đẩy mạnh các biện pháp để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại cơ quan, đơn vị; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo tăng cường sự phối hợp trong công tác điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài; đồng thời, chú trọng thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Hàng năm, Ban Nội chính Tỉnh ủy được giao tham mưu ban hành Kế hoạch, triển khai thực hiện kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước để phát hiện các vụ việc tham nhũng; chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và kịp thời đề xuất, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý theo quy định.
Đ.H