Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 23/6/2022 về việc đảm bảo thời hạn và hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, để triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Xử lý vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 24/02/2022 về việc tăng cường công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ, đảm bảo về cơ sở pháp lý và thời hạn trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Qua đó, công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là trong việc trình hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền chưa đảm bảo về thời gian, hồ sơ trình theo quy định tại điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 24/02/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tăng cường công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; gửi hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp lập biên bản trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương; giúp UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính tại địa phương; đề xuất nghiên cứu, xử lý các quy định xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn với nhau theo quy định của pháp luật.
H.Dương