9 tháng đầu năm: Khánh Hoà có 122 người chết do tai nạn giao thông
Sáng 21-10, ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý III và phương hướng, nhiệm vụ Quý IV. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Quang cảnh hội nghị điểm cầu Khánh Hòa
Theo báo cáo, trong 9 tháng qua, cả nước xảy ra 14.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6.100 người, bị thương hơn 11.785 người. So với cùng kỳ năm 2016, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; cụ thể, giảm 966 vụ, giảm 330 người chết và giảm hơn 1.800 người bị thương.
Tại Khánh Hòa, 9 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 122 người, bị thương 40 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ tăng 3 vụ, số người chết tăng 13 người, số người bị thương giảm 29 người. Cùng với đó, 9 tháng qua, lực lượng chức năng đã lập biên bản 11.949 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, phạt vi phạm hành chính hơn 9.500 trường hợp với số tiền hơn 10 tỷ đồng; tạm giữ gần 1.800 phương tiện; tước giấy phép lái xe hơn 1.100 trường hợp.
Kết luận hội nghị, ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các ngành, địa phương tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm kéo giảm tai nạn giao thông xuống từ 5 đến 10%. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm, giám sát trực tuyến tình hình giao thông trên mạng lưới đường bộ toàn quốc, cung cấp ứng dụng hướng dẫn giao thông cho lái xe và người dân, điều tiết, chống ùn tắc giao thông. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đăng kiểm phương tiện; đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, hàng không. Tăng cường rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên hệ thống đường quốc lộ; cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; phối hợp với các bộ, ngành ban hành quy định bắt buộc về kiểm soát tải trọng tại các đầu mối hàng hóa. Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp theo dõi, quản lý giấy phép lái xe bị tạm giữ, tước quyền sử dụng; đẩy mạnh ứng dụng; tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông… Đối với các địa phương cần gắn trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh lối đi tự mở trái phép trên đường sắt.